Tết Chôl Chnăm Thmây - lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của người Khmer
      Những ngày này, đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng đang chuẩn bị đón cái tết lớn nhất trong năm – tết năm mới (Bund Chôl Chnăm Thmây), vào tháng 4 theo Tây lịch. Đây cũng là một trong những lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của người Khmer Nam bộ nói chung, đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng.

      Cũng như các cư dân nông nghiệp trồng lúa điển hình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào Khmer Sóc Trăng có một hệ thống lễ hội gắn chặt với vòng đời của cây lúa. Đặc biệt các lễ tục sinh hoạt lớn của cộng đồng luôn diễn ra vào lúc nông nhàn, mà tiêu biểu nhất là tết năm mới. Tết năm mới của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 Dương lịch. Đây là tháng thứ 5 (Tháng Chét) theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên trong năm. Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa mùa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều bị chựng lại để trông chờ vào những cơn mưa đầu mùa. Do đó, lễ hội này mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới. Do là lễ hội lớn nhất trong năm, nên ngày xưa tết năm mới của đồng bào Khmer kéo dài từ 10 – 15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này kéo dài 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó). Theo đó, ngày thứ nhất, đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều, mọi người dân Khmer đều nô nức tắm gội sạch sẽ, ăn mặc đẹp để tới chùa thỉnh lịch Maha sangkrang (Đại lịch) để dùng trong suốt một năm. Khi tới chùa, họ tổ chức đi vòng quanh bên ngoài chánh điện 03 vòng rồi mới bước vào chính điện lễ Phật. Ngày thứ hai, sáng và trưa người dân làm lễ dâng cơm cho các sư, đến chiều họ tiến hành nghi thức đắp núi cát. Đắp núi cát là một nghi thức quan trọng của tết năm mới, được tiến hành ở 08 hướng xung quanh ngôi chính điện của chùa. Việc đắp núi cát này có rất nhiều ý nghĩa. Theo các Nhà nghiên cứu văn hóa Khmer cho rằng, đắp núi cát mang ý nghĩa để ngăn mây lại tạo thành mưa. Đây chính là một nghi thức cổ xưa thường thấy ở các cộng đồng cư dân nông nghiệp có lịch sử lâu đời. Ngoài ra, núi cát này còn tượng trưng cho ngọn núi Mê – ru được cho là trục của thế giới trong huyền thoại Ấn Độ. Theo Phật giáo Nam tông Khmer thì núi cát này còn tượng trưng cho ngôi tháp ở tầng trời thứ ba, là nơi cất giữ mớ tóc mà Đức Phật Thích Ca đã cắt bỏ để đi tu. Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật (mộc dục) và tắm sư. Đây cũng chính là nghi thức thể hiện lòng tôn kính Đức Phật và các vị sư, đồng thời cũng là nghi thức gắn chặt với việc cầu mưa để bắt đầu vụ mùa mới. Cùng thời điểm này, ở Thái Lan, Lào và Myanmar có lễ hội té nước đầu năm cũng chính nằm trong ý nghĩa chào đón năm mới và cầu mưa.

      Ngoài dấu ấn Phật giáo đậm nét ra, tết năm mới của đồng bào Khmer còn cho thấy tàn dư của đạo Bà La Môn qua việc người dân rất chú trọng cúng dường chư thiên bằng nhiều món hoa quả khác nhau theo từng ngày trong 3 ngày tết này. Đây cũng là dịp để đồng bào tưởng nhớ và cúng bái tổ tiên, cúng dường các sư và thỉnh các nhà sư tụng kinh nơi tháp cốt để cầu siêu cho người thân đã khuất.

      Tết năm mới chính là lễ hội lớn nhất và tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer, chất nông nghiệp thấm đẫm trong niềm tin Phật giáo. Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng, mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên (qua nghi thức cầu mưa), không chỉ là dịp để đồng bào thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng. Nếu như Tiết thanh minh là dịp để người Việt và Hoa hướng về quá khứ để tưởng nhớ tổ tiên và thân nhân đã khuất, chăm sóc sửa sang mồ mả, thì đồng bào Khmer tổ chức tết năm mới với tâm thức vừa hướng về quá khứ vừa hướng tới tương lai. Trong khi người Việt và Hoa ăn tết năm mới vào lúc kết thúc vụ mùa thì đồng bào Khmer lại ăn tết năm mới vào lúc chuẩn bị khởi đầu vụ mùa.

      Cũng giống như người Việt, trong những ngày thiêng liêng này, đồng bào Khmer ở các thành phố lớn cũng lũ lượt về quê ăn tết cùng gia đình và cộng đồng. Những người vì hoàn cảnh không về được thì ăn tết tại các ngôi chùa Khmer tại chỗ. Cuộc sống hiện đại, tuy có nhiều vướng bận, nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến tấm lòng nhiệt thành của đồng bào Khmer đối với tết năm mới. Đây chính là dịp để đồng bào Khmer củng cố quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh mang đậm tinh thần Phật giáo và thể hiện tình cảm đối với gia đình, tổ tiên, dòng họ và cộng đồng phum – sóc.

Sóc Ca

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80265731

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.